Về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết, căn cứ kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 được các địa phương phê duyệt.Ngày 19/01/2023,UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 232/QĐ-UBND; ngày 30/01/2023, Bộ LĐTBXH phê duyệt quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Theo đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2023 như sau: Hộ nghèo: 11.735 hộ (36.708 khẩu nghèo), tỷ lệ: 3,56%; Hộ cận nghèo: 10.854 hộ (33.579 khẩu), tỷ lệ: 3,30%.
Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 3,56% và tỷ lệ giảm nghèo năm 2022 là 1,37%. Vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Theo chỉ tiêu giảm nghèo được phân bổ, đăng ký thì các địa phương đều vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, huyện A Lưới là địa phương có tỷ lệ giảm vượt so với chỉ tiêu được phân bổ cao nhất, đạt 38,20%.
Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, trong đó có Công văn số 29/SLĐTBXH-VPGN ngày 24/3/2023 yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án thoát nghèo cụ thể với phương châm "xác định rõ nguyên nhân nghèo, nhu cầu cần hỗ trợ để có phương án thoát nghèo cụ thể theo địa chỉ cho từng hộ nghèo". Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị để hoàn thiện các dự thảo liên quan đến xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách thực hiện Đề án giảm nghèo tham mưu UBND tỉnh trình thường trực HĐND tỉnh thông qua. Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế được Trung ương phân bổ 296.088 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 154.709 triệu đồng; vốn sự nghiệp 141.379 triệu đồng. Hiện nay, đối với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cấp huyện, xã chuyển tiếp sang năm 2023, các địa phương đang tiếp tục thi công hoàn thành; các công trình khởi công mới, cơ bản đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công.Tính đến ngày 28/3/2023 đã giải ngân được 43.567,8 triệu đồng/296.088 triệu đồng.
Về tiến độ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Ban Dân tộc đang tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết về định mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách địa phương thực hiện Dự án 1.Đối với nguồn đầu tư phát triển bổ sung từ ngân sách trung ương theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Ban Dân tộc đã chủ trì làm việc với UBND huyện A Lưới, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thống nhất đề xuất phân bổ nguồn kinh phí bổ sung 7.746 triệu đồng cho Dự án 3 và Dự án 10.
Tình hình giải ngân từ tháng 01/2022 đến ngày 28/3/2023: Nguồn đầu tư phát triển: 35.242 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 37,67% kế hoạch. Nguồn sự nghiệp: giải ngân 7.020 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 19,7% kế hoạch.(Từ 01/2023 đến 28/3/2023: vốn đầu tư phát triển giải ngân thêm được 19.852 triệu đồng; vốn sự nghiệp giải ngân thêm được 605 triệu đồng). Năm 2023, Trung ương phân bổ thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 241.399 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 120.432 triệu đồng, Vốn sự nghiệp 120.967 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, phân tích những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng thời có những đề xuất, kiến nghị để triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Các đại biểu trao đổi tại cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương tăng cường công tác báo cáo cho các cơ quan chủ quản thực hiện các chương trình MTQG. Rà soát các bảng biểu để hướng dẫn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình. Triển khai quyết liệt việc triển khai trên phần mềm và chế độ báo cáo. Đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện theo hướng dẫn đã ban hành của tỉnh và các sở, ngành trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu sở Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá chi tiết, cụ thể trong việc phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Theo dõi, đôn đốc tiến độ việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, có sự phân chia trong tiến độ giải ngân các nguồn vốn, trong từng thời điểm cụ thể. Tham mưu báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh trong việc giải ngân nguồn vốn các chương trình.
Riêng A Lưới đang là địa phương được bố trí nguồn vốn lớn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện A Lưới cần tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở kế hoạch, các sở, ban, ngành cần phối hợp với huyện A Lưới để hướng dẫn, hỗ trợ trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Ban dân tộc chủ trì tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 1719/QĐ-TTg; trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trung hạn sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Một số thủ tục liên quan các địa phương, cần có sự tham mưu, bổ sung đầy đủ các thủ tục để có sự điều phối trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG.