Không gian chính của lễ hội vẫn là phá Tam Giang thơ mộng với nhiều hoạt động như: Hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại cũng sẽ được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch của địa phương, ngoài ra còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu về các sản phẩm của các làng nghề truyền thống; các món ăn đặc trưng của vùng quê sông nước Quảng Điền; Triển lãm “Nét đẹp Quảng Điền qua ảnh” với hơn 60 tác phẩm được trưng bày dọc cầu tàu (gần sân khấu chính của Lễ hội) sẽ diễn ra vào sáng ngày 24/4; Hội trại thanh niên với sự tham gia của gần 900 trại sinh sẽ diễn ra trong 02 ngày 25 và 26 tháng 4 với nhiều trò chơi dân gian mang đậm đặc trưng vùng sông nước được tổ chức như: chậm trìa, chơm cá, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, đi cầu khỉ, hội thi thả Diều… Đặc biệt, năm nay Ban Tổ chức đã đưa vào chương trình lễ hội Sóng nước Tam Giang một số hoạt động mới như: trò chơi dân gian Bài Chòi sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội nhằm tạo sân chơi cho du khách, đồng thời góp phần gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa của địa phương; Hội thi ẩm thực Quảng Điền lần thứ I sẽ diễn ra vào chiều ngày 24/4 với sự tham gia của các đội thi đến từ 11 xã, thị trấn trong toàn huyện với các món ăn dẫn dã nhưng mang đậm bản sắc, đặc trưng của địa phương.
Trò chơi Nhảy bao bố trong Lễ hội Sóng Nước Tam Giang
Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác cũng sẽ được tổ chức đan xen trong 03 ngày diễn ra lễ hội như: đua ghe câu trên phá; giao lưu các câu lạc bộ bi sắt; Vật thiếu niên và Thanh niên... Bên cạnh đó, các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, biển gắn với các di tích lịch sử văn hóa của địa phương cũng sẽ được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Một hoạt động trong chương trình lễ hội “Sóng nước Tam Giang” năm nay được tiếp tục tổ chức đó là Lễ tế Bà Tơ - một lễ hội truyền thống của cư dân vùng sông nước Quảng Điền được tổ chức để tưởng nhớ người phụ nữ họ Trần ở làng Bác Vọng, đã có công cứu chúa Nguyễn thoát nguy trong một lần vượt phá Tam Giang. Lễ tế Bà Tơ được tổ chức vào sáng ngày 24/4/2018 ngay tại Miếu Bà Tơ ở thôn Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú với nghi lễ trang trọng, lễ tế sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút với nghi thức đậm nét văn hóa dân gian của cư dân vùng sông nước. Sau phần lễ là hội đua thuyền sẽ được tổ chức ở ngay ngã ba sông Bồ bên bến đò Quai Vạc. Đến tham dự lễ tế, du khách sẽ có dịp dâng hương tại Miều thờ và Lăng mộ Đặng Hữu Phổ (ở làng Bác Vọng)-con trai trưởng của phò mã Đặng Huy Cát và công chúa Tĩnh Hòa để tìm hiểu rõ hơn về lịch sử, thân thế và những đóng góp của Ông đối với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Chương trình nghệ thuật tổng hợp đêm khai mạc diễn ra vào lúc 20h ngày 24/4/2018 với sự tham gia biểu diễn của 12 ca sỹ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh như: Thu Hiền, Tấn Minh, Thanh Hoa, Minh Quân, Ưng Hoàng Phúc… cùng 02 MC đến từ Đài truyền hình Việt Nam: Hữu Bằng và Hoài Anh và hàng trăm diễn viên của Nhà hát ca kịch Huế, Đội thông tin lưu động huyện. Các tiết mục nghệ thuật sẽ được biểu diễn trên sân khấu nổi đặt trên mặt nước phá Tam Giang sẽ làm nổi rõ nét đẹp văn hóa, vùng đất và con người Quảng Điền. Vào đêm bế mạc Lễ hội (26/4), nhân dân địa phương và du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục dân ca, dân vũ do đội văn nghệ quần chúng của huyện Quảng Điền, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh biểu diễn và sự góp mặt ca sĩ đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Một phần khung cảnh Lễ tế Bà Tơ nằm trong Chương trình Lễ hội Sóng Nước Tam Giang
Hoạt động Đua ghe nằm trong Chương trình Lễ hội Sóng Nước Tam Giang
Hiện nay, Ban tổ chức đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ hội. Đây là dịp để Quảng Điền giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng văn hóa, kinh tế, du lịch của huyện nhà, một vùng đất có lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng; nhiều sản vật phong phú, độc đáo, hấp dẫn…góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cùng với toàn tỉnh xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường”.