Theo dự thảo báo cáo đầu kỳ công tác quy hoạch, Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều tài nguyên di sản, giá trị văn hóa và cảnh quan tự nhiên để khai thác phát triển du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Là một đô thị truyền thống và lâu đời của Việt Nam, là thế mạnh để hình thành các cụm ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với đô thị. Ngoài ra, hạ tầng giáo dục và y tế phát triển ở trình độ cao, là nền tảng để hỗ trợ phát triển kinh tế,…
Tuy nhiên, tỉnh lại không có các cụm ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh cao, đóng vai trò là động lực rõ nét cho nền kinh tế tỉnh. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách thấp, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạn chế, chưa hình thành doanh nghiệp lớn mạnh tại địa phương. Hạ tầng giao thông nội tỉnh, đặc biệt kết nối giữa các huyện miền núi còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, nắng nóng, hạn hán…gây khó khăn trong phát triển các ngành kinh tế.
TS. Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại cuộc họp
TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, các vấn đề trọng tâm của Quy hoạch hiện nay là tỉnh phải định vị vai trò của địa phương trong vùng và quốc gia. Làm rõ Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tiến hành phân tích và đánh giá động lực tăng trưởng hiện tại và tương lai, trong đó cần làm rõ các nội dung như: Vai trò của dịch vụ và du lịch như một mũi nhọn tăng trưởng?; Vai trò động lực của công nghiệp chế biến – chế tạo; Đô thị như một một động lực tăng trưởng quan trọng; Vai trò của Y tế, giáo dục, công nghệ thông tin – truyền thông; Vai trò Kinh tế biển, đầm phá …
Công tác quy hoạch gắn với quan điểm là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, bền vững về môi trường là nền tảng; du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công nghệ thông tin và truyền thông trở thành một đột phá chiến lược; hướng đến mục tiêu năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng nền móng cho cả ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường để làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong các giai đoạn sau.
Về quan điểm và mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, tỉnh sẽ phát triển không gian dựa trên các yếu tố tự nhiên và văn hóa lịch sử truyền thống (hệ sông hồ, kênh mương, đa dạng sinh học, đầm phá, biển, giữ gìn các bản sắc văn hóa, các khu vực di sản , di tích và làng nghề…) Đảm bảo tính độc lập và tính đặc trưng của các đô thị trong mạng lưới. Xác định rõ các ranh giới đô thị, khoảng cách giữa các đô thị là các khoảng không gian đệm gắn với vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí, nghỉ dưỡng.v.v
Trong đó, thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo mô hình đô thị lõi “Grand Huế” bao gồm TP Huế, Hương Trà, Hương Thủy và các đô thị vệ tinh hỗ trợ phát triển ở phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh. Hình thành hệ thống lõi trung tâm phát triển đô thị nén. Các đô thị vệ tinh gắn kết với nhau và với đô thị trung tâm hạt nhân bằng các kết nối nhanh thông qua hệ thống hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế hướng thành phố du lịch dịch vụ, giữ gìn bảo tồn lịch sử, văn hoá truyền thống và cảnh quan, kiến trúc đặc trưng. Làm cơ sở pháp lý triển khai công tác đầu tư quy hoạch xây dựng đô thị đồng bộ; lập chương trình phát triển đô thị.
Cụ thể, dựa theo điều kiện tiềm năng phát triển của mỗi khu vực có thể phân ra thành 6 vùng: Vùng 1: Đô thị trung tâm với chức năng: đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị giáo dục y tế, đô thị ven sông; đô thị ven đầm; Vùng 2: Đô thị vùng cát: đô thị công nghiệp, đô thị nông nghiệp; Vùng 3: Đô thị du lịch: đô thị Cầu Hai; vùng bảo tồn Bạch Mã; Vùng 4: Đô thị đôi: đô thị du lịch- dịch vụ- logistic- đô thị; Vùng 5: Đô thị gò đồi: đô thị ven hồ; Vùng 6: Đô thị núi: Du lịch nông nghiệp gắn với làng bản, du lịch đô thị vùng biên.
Sơ đồ phân vùng đô thị ( tiếp cận ban đầu)
Tại cuộc họp, PGS.TS Bùi Tất Thắng (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển), PGS.TS. Phạm Bảo Dương (Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận, trao đổi nhằm làm rõ hơn về hiện trạng phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cũng như các nút thắt trong mỗi lĩnh vực. Từ đó đưa ra định hướng chiến lược phát triển, góp phần hoàn thiện công tác quy hoạch tỉnh thừa thiên huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao quá trình khảo sát, nội dung báo cáo đầu kỳ quy hoạch tỉnh của đơn vị tư vấn. Đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để tiến hành điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nhất là công tác quy hoạch phải bám sát Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng việc thực hiện các chiến lược, ưu tiên phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, quy hoạch cần làm rõ thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của tỉnh từ đó xây dựng định hướng, thể hiện tầm nhìn, chiến lược, triển khai một cách đồng bộ để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản..