Phát biểu khai mạc ngày sách, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, cho biết, ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách. Đồng thời, cũng là dịp đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Các hoạt động trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm nay cùng tạo nên một bức tranh lớn với nhiều hình thức thể hiện, mang lại không khí tươi mới, giàu sức sống, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Mỗi cuốn sách là kết tinh từ tri thức và đời sống, trong đó chứa đựng biết bao kiến thức bổ ích cần cho mỗi người. Ngày sách hàng năm đã được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới mục đích thu hẹp khoảng cách hưởng thụ về thông tin, tri thức, từ đó nâng cao văn hóa đọc của mỗi người. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách, khuyến khích việc đọc sách trong cộng đồng, xây dựng tủ sách Huế là kho tàng tri thức với những giá trị văn hóa Huế. Đồng thời, còn tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, sưu tầm và các tổ chức có đóng góp cho phát triển văn hoá đọc. Để mỗi hệ thống tủ sách của gia đình, dòng họ, lớp học, thư viện là một kho tàng tri thức trong việc đọc sách, viết sách, lưu giữ sách và quảng bá sách.
Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trưng bày triển lãm với chủ đề: "Quốc Sử Quán triều Nguyễn với công việc biên soạn chính sử - kết nối dòng chảy nghiên cứu, Bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế ", nhằm khơi dậy một địa chỉ rất quan trọng về việc biên soạn và lưu trữ tài liệu để ngày nay chúng ta mới có sử liệu để nghiên cứu các hoạt động của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm tôn vinh vai trò của sách, người làm sách và phát động văn hóa đọc trong cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu chuỗi hoạt động: đọc sách online với chủ đề "Tìm hiểu lịch sử - nâng bước tương lai", giới thiệu tủ sách giáo dục di sản và văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, được phát sóng trên các đường link, lan tỏa trên mạng xã hội; triển lãm online về những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, tiếp nhận sách từ các tổ chức và cá nhân, tri ân sách cho các độc giả. Ngoài ra, sự kiện tôn vinh sách, văn hóa đọc tại di tích Lầu Tàng Thơ còn có các hoạt động di sản với học đường qua Hội thi: "Chia sẻ cuốn sách hay" của học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. Qua hội thi này, các em học sinh thêm niềm tin yêu sách, tôn vinh văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.
Với hàng chục văn bản giới thiệu về quá trình hình thành, biên soạn, xuất bản, lưu trữ về các hoạt động của Quốc Sứ Quán và hàng chục đầu sách viết về triều Nguyễn do Trung tâm xuất bản được trưng bày bằng hình thức trực tiếp và online. Đây là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, kết nối dòng chảy quá khứ, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và khẳng định vai trò vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Huế và lịch sử văn hóa Huế, nhất là trong thời đại công nghệ số.