Trong thời gian qua công tác giảm nghèo đã được tiến hành quyết liệt, để đạt mục tiêu đề ra Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 11 về giảm nghèo và thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, đã có những chủ trương, chính sách thực hiện công cuộc giảm nghèo tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn công tác giảm nghèo chưa hiệu quả, kéo dài, việc hỗ trợ giảm nghèo còn chồng chéo, nhận thức thoát nghèo của người dân còn thấp, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền trong công tác giảm nghèo bền vững chưa chủ động, còn hình thức.
Tại buổi họp, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị đưa ra giải pháp về cơ chế xây dựng nhà tạm, cơ chế hỗ trợ cho đối tượng hỗ trợ như đối với hỗ trợ và sửa chữa nhà cho hộ nghèo đề nghị tỉnh hỗ trợ 50% còn lại địa phương sẽ huy động nguồn xã hội; đối với đối tượng bảo trợ xã hội để nghị tỉnh hỗ trợ thường xuyên để thoát nghèo. Đề nghị mở lớp tập huấn cho đối tượng tham gia rà soát đánh giá thẩm định phân tích các số liệu của hộ nghèo; đề nghị ngân hàng chính sách quan tâm hơn về nguồn vốn giải quyết việc làm và sản xuất kinh doanh; lùi thời gian hoàn thành báo cáo số dữ liệu về hộ nghèo; đề nghị Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh lựa chọn cách làm hay, đưa ra các mô hình hiệu quả về giảm nghèo để các địa phương học tập..
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại cuộc họp sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung quyết liệt thực hiện sớm các chi tiêu giảm nghèo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua; cũng như Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, Thành phố Huế căn cứ Kế hoạch phân bổ chi tiêu giảm nghèo đến năm 2025 của tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện, tiến hành phân bổ sớm.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý các địa phương phải tiến hành làm song song vừa xây dựng phương án thoát nghèo cho từng hộ vừa cập nhật báo cáo số, hạn cuối hoàn thành vào ngày 30/7. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực điều hành của các địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của các hộ gia đình theo từng năm, từng quý. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ sớm các nguồn lực giảm nghèo và chỉ đạo cho các sở ngành liên quan có quyết sách cụ thể cho chương trình giảm nghèo, hỗ trợ cho các chiều thiếu hụt…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh trong các phương án giảm nghèo đặc biệt tập trung vào 2 nội dung đó là việc làm, thu nhập và xóa nhà tạm, đặt mục tiêu những hộ nhà tạm được kiểm đếm trong năm 2021 sẽ được xóa nhà tạm trong năm 2023. Bên cạnh đó đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp trong đó có UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị toàn tỉnh về xóa nhà tạm và tạo việc làm cho các hộ nghèo do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì; đề nghị tập trung phương án thoát nghèo cho năm 2022; chỉ tiêu việc làm cần phải đưa ra cụ thể trong số hộ có thành viên có khả năng lao động chỉ rõ không nói chung chung; phát động phong trào dòng tộc không có hộ nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc ít người Nam Đông, A Lưới; liên quan đến các hộ nghèo bền vững cấp ủy, chính quyền chung tay hỗ trợ, có chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên…
Quá trình tiến hành giảm nghèo cần phải đánh giá thực chất, các chỉ tiêu chặt chẽ nhưng không vì thành tích gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tin tưởng với mục tiêu và phương thức làm việc cụ thể và sự vào cuộc đầy quyết tâm, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, hy vọng công cuộc giảm nghèo sẽ hoàn thành tốt đúng tiến độ, yêu cầu đề ra Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.