Có thể thấy rằng, với sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các sở, ban, ngành và phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương; đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực quyết tâm cao của CBQL, GV và HS, ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế tiếp tục có những bước phát triển mới, khởi sắc, toàn diện trên nhiều mặt. Sự an tâm, sự tin tưởng và niềm tin của học sinh, phụ huynh, xã hội vào giáo dục tỉnh nhà không ngừng được củng cố, phát huy và nâng lên; đội ngũ thầy cô giáo luôn tận tụy, sẵn sàng và nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học được chính quyền dành nhiều quan tâm đầu tư thông qua nhiều chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phát triển Thừa Thiên Huế là trung tâm tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy cùng nhiều phong trào lớn về xây dựng trường học xanh sạch sáng, hệ sinh thái giáo dục thông minh, chuyển đổi số trong giáo dục, trường học hạnh phúc và nhiều phong trào cuộc vận động lớn khác được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt trong thời gian thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Ngành giáo dục và đào tạo đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại trường học, tiêm phòng đảm bảo điều kiện sức khỏe cho học sinh và thầy cô giáo khi trường học mở cửa trở lại; chủ động triển khai các phương pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, triển khai đồng bộ phương thức dạy và học trực tuyến qua Internet, qua truyền hình với kết quả đem lại rất thiết thực và hiệu quả ứng dụng rộng rãi lâu dài trên nền tảng số, hình thành nền tảng cơ bản cho quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của giáo dục tỉnh nhà.
Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển theo hướng cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học theo Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đã được HĐND và UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 568 trường mầm non và phổ thông; có 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 16.763 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông. Trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 90,9% (giáo viên mầm non đạt tỷ lệ 97,5%; tiểu học đạt tỷ lệ 78,4%; trung học cơ sở đạt tỷ lệ 91,6%; trung học phổ thông đạt tỷ lệ 100%; giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 97,8%).
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Đến nay, hệ thống trường học từng bước được hoàn thiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư khang trang, hiện đại; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi trung học phổ thông, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế. Trong hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 học sinh đạt giải Huy chương quốc tế và châu Á Thái Bình Dương. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ và năng lực ngày càng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện thường xuyên.
Giám đốc Sở GD& ĐT Nguyễn Tân, cho biết, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành Giáo dục hoàn thành ba mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hoàn thành nhiệm vụ năm học và đảm bảo chất lượng. Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng và phù hợp với quy hoạch. Sự vào cuộc tích cực và công tác phối hợp chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo được lãnh đạo các địa phương các cấp quan tâm đặc biệt. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng. Công tác chuẩn bị các điều kiện đổi mới giáo dục được thực hiện chủ động, bài bản đã hạn chế được các tác động tiêu cực làm cản trở lộ trình thực hiện đổi mới.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, với tầm quan trọng của phát triển mạng lưới cơ sở GD đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; ngành giáo dục đổi mới chương trình, nội dung phương pháp và nâng cao chất lượng GD toàn diện là hết sức giá trị và ý nghĩa; luôn quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển GD; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong GD; thúc đấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế. Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đang tập trung vào hai nội dung là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá năng lực. Trong lộ trình phát triển giáo dục của Thừa Thiên Huế, mục tiêu hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 384 em đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường”
Tin tưởng rằng, với những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ là tiền đề, cơ sở để vững bước trên con đường phát triển và hội nhập, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, đổi mới công tác quản lý, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, nề nếp. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của chính quyền các cấp và sự đóng góp tích cực của Nhân dân, sự đồng hành của quý phụ huynh học sinh, sự giúp đỡ của các thế hệ nhà giáo, sự cố gắng và nỗ lực của toàn Ngành và đặc biệt là truyền thống giáo dục của tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngành Giáo dục sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước.