Đó là đề xuất của ngành xây dựng và nông nghiệp đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu và sẽ sớm trình HĐND tỉnh đề án thực hiện xây dựng kênh dẫn dòng nước từ sông Bồ sang sông Hương tại khu vực xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền nhằm cắt lũ cho vùng hạ du.
Mưa là ngập
Năm nay, chị Trương Thị Thúy Hằng, một tiểu chợ Cầu Hai (thị trấn Phú Lộc) đã nhiều lần phải chạy đua với lũ lụt để cứu tài sản ở chợ, nhưng chưa lần nào chị thắng, bởi nước lên quá nhanh. Hậu quả của những đợt lũ lụt đã ngâm nước, lấy đi của chị nhiều hàng hóa tích trữ để bán. Nhiều tiểu thương ở chợ Cầu Hai cũng chung cảnh ngộ như chị Hằng. Chưa hết, nhà chị cạnh đó ở khu vực 6 thị trấn Phú Lộc cũng thường xuyên phải chạy đua với nước lũ sau mỗi đợt mưa to.
Chị Hằng cho biết, nhà chị ở không phải là nơi thấp trũng nhưng cứ mưa lớn là ngập, nước vô nhà cả nửa mét. Riêng đợt mưa lũ tháng 11 gia đình chị đã 3 lần phải dọn bùn. Tưởng chừng đã qua, nhưng đợt mưa trái mùa đầu tháng 12 mới đây gia đình chị lại một phen hú vía. Nước lũ về quá nhanh làm cho gia đình chị và nhiều hộ xung quanh không kịp trở tay. Nước vào nhà cả mét thoát không kịp. Hậu quả là trên địa bàn có 3 người bị lũ cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà ngập trong nước. Chị mong muốn chính quyền địa phương có phương án nhằm hạn chế cảnh chạy lụt hằng năm của hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì.
Không riêng gì Phú Lộc, hàng ngàn hộ dân ở huyện vùng trũng Quảng Điền cũng thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa lớn. Ông Hoàng Công Thông, thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ cho biết, với việc biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên năm nào người dân trong thôn nói riêng và người dân Quảng Thọ nói chung cũng phải có phương án chống chọi với lũ lụt. Ngay như việc trồng hoa màu của gia đình ông, mặc dù đã tính đến phương án nước dâng ở mức trên báo động 3, nhưng mưa lớn kết hợp với điều tiết lũ của các thủy điện làm các hộ nông dân không kịp trở tay. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng và mất trắng.
Dư luận gần đây quan tâm đến việc, trên địa bàn tỉnh có những đợt lượng mưa không quá lớn nhưng đã xảy ra hiện tượng ngập lụt, ngập cục bộ nhiều nơi, nhất là các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang và TP. Huế. Vậy nguyên nhân có phải do hệ thống thoát nước, thoát lũ còn thiếu, chưa đồng bộ. Giải pháp tốt nhất để cắt lũ là gì? Đây cũng chính là câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND Trần Quốc Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền đến UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII.
Sẽ làm kênh thoát lũ
Trả lời vấn đề này trước HĐND tỉnh, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, với tình hình thời tiết diễn biến xấu, bất thường như hiện nay thường phát sinh nhiều trận mưa với cường độ lớn và kéo dài, nước các sông dâng cao đã làm ngập lụt nhiều khu vực có địa hình thấp trũng. Đợt mưa vừa rồi (đầu tháng 12/2022) ở Huế là đợt mưa rất lớn và hiếm gặp trong vòng mấy chục năm qua. Riêng trong ngày 2/12, lượng mưa ghi nhận ở huyện Phú Lộc là hơn 650mm chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
Trong đợt mưa vừa qua, các hồ thủy lợi Tả Trạch và thủy điện Bình Điền chỉ tích nước, không xả lũ nên hạ nguồn sông Hương không bị ngập nặng. Tuy nhiên ở đầu nguồn sông Bồ, lượng mưa quá lớn khiến hồ chứa thủy điện Hương Điền nhanh chóng đầy. Thủy điện này đã phải xả lũ 300 - 1.200m3/s để đảm bảo an toàn và khiến hạ du con sông nước lên nhanh, gây lũ ở huyện Quảng Điền, TX. Hương Trà…
Qua theo dõi mưa lũ nhiều năm, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, để thoát lũ nhanh cho các khu vực thấp trũng ở vùng Quảng Điền, Hương Trà thì phải chuyển nước từ sông Bồ sang sông Hương. Bởi hiện nay mức báo động lũ trên sông Bồ cao hơn sông Hương đến tận 1m. Theo ông Đức, để thoát lũ nhanh trên sông Bồ, ngành chức năng của tỉnh sẽ nghiên cứu để có dự án làm thêm nhiều kênh dẫn nước từ sông Bồ sang sông Hương, bởi lũ trên sông Hương sẽ thoát ngay về cửa biển, còn ở sông Bồ sẽ về đầm phá, chậm hơn nhiều.
Quảng Điền luôn phải chịu ngập úng mỗi khi mưa lớn
Giải thích thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, UBND tỉnh đang cho nghiên cứu và sẽ sớm trình HĐND tỉnh đề án thực hiện xây dựng kênh dẫn dòng nước từ sông Bồ sang sông Hương tại khu vực xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Đây là một ý tưởng mới, táo bạo. Tuy nhiên cần phải được nghiên cứu kỹ càng để tránh tình trạng "tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa". Riêng về ngập lụt đô thị, hiện nay tỉnh đang giao Viện Quy hoạch xây dựng cùng các sở, ngành nghiên cứu, tìm phương án thoát lũ tối ưu cho khu vực đô thị Huế. Hiện nay, hệ thống cống ngầm của hệ thống cải thiện môi trường nước phía Nam đang dần hoàn thiện. Sắp tới khi đưa vào hoạt động, hệ thống này sẽ góp phần vào việc cắt lũ cục bộ cho đô thị Huế.
Trước mắt, để góp phần cắt giảm lũ, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, tổ chức nạo vét, khơi thông cống rãnh hiện trạng; nhất là tại các vị trí cửa xả nước ra sông hồ; nâng cấp các cống ngang đường khi thấy khẩu độ cống chưa đảm bảo thoát nước thuận lợi. Tranh thủ mọi nguồn lực để ưu tiên, quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư xây dựng xây dựng hệ thống thoát nước mưa chính trong các khu đô thị; đảm bảo hệ thống thoát nước mưa phải kết nối liên tục, thoát nước thuận lợi ra các sông, hồ hiện hữu.
Cùng với đó, các chủ đầu tư các công trình đang thi công phải có giải pháp thoát nước mưa tạm thời đảm bảo tiêu thoát nước mưa, tránh ngập cục bộ khi có mưa. Kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm, san lấp và xây dựng công trình thu hẹp dòng chảy, diện tích các hồ, kênh và mương hiện trạng.