Thừa Thiên Huế xác định, lấy phát triển công nghiệp CNTT và gia công xuất khẩu phần mềm làm một mũi nhọn phát triển. Muốn vậy, cần phát triển Trung tâm CNTT của tỉnh làm hạt nhân để phát triển công nghiệp phần mềm, sớm triển khai dự án thành lập khu CNTT tập trung, tạo môi trường làm việc hiệu quả. Xét thấy việc kết nạp vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển công nghiệp CNTT, UBND tỉnh đã triển khai thủ tục kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh (HueCIT) tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm này. Để đáp ứng các điều kiện tham gia vào Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung, hiện nay tỉnh đang gấp rút triển khai hướng tới xây dựng khu CNTT tập trung; xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường khởi nghiệp cho các DN nhỏ và vừa; triển khai liên kết với các trung tâm đào tạo nhân lực CNTT; xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, internet sẵn sàng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, Tỉnh đã chuẩn bị một số cơ sở nhà đất ngay tại trung tâm thành phố Huế và quy hoạch quỹ đất khoảng 30-40 ha làm khu đô thị sáng tạo (gần với Khu đô thị hành chính tỉnh), sẵn sàng khởi động khu phần mềm tập trung trong hiện tại và định hướng phát triển lâu dài. Thừa Thiên Huế có thuận lợi là trung tâm đào tạo đại học, cao đẳng lớn thứ 3 của cả nước, với hệ thống trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Huế có bề dày truyền thống hơn 60 năm, có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành CNTT. Hàng năm có khoảng 300-400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT. Đó là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, phù hợp yêu cầu thực tế để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
“Hiện nay lĩnh vực CNTT của tỉnh đang chủ yếu thu hút gia công phần mềm. Việc tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung sẽ thu hút đầu tư về CNTT từ các DN và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong tương lai, sau khi tham gia vào chuỗi này sẽ thu hút đầu tư công nghiệp phần mềm, nội dung số. Qua đó, nâng cao chất lượng và số lượng người lao động trong lĩnh vực CNTT trong tỉnh. Từng bước hình thành nền công nghiệp CNTT, chú trọng phát triển hài hòa công nghiệp phần mềm và nội dung số và quan trọng hơn cả là nâng cao tỉ xuất đóng góp cho nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Ứng dụng đồng bộ Công nghệ thông tin
Mục tiêu phát triển CNTT trong những năm tới của tỉnh đó là: CNTT sẽ được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT của tỉnh đạt mức độ khá trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đến nay, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước của tỉnh đã cung cấp cho người dân và tổ chức 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 774 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với những kết quả này, Thừa Thiên Huế được xếp thứ nhất toàn quốc về ứng dựng CNTT trong Chính phủ điện tử. Ở lĩnh vực công nghiệp CNTT, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp CNTT. Công nghiệp CNTT đến nay đã có những bước tiến cơ bản, nhất là trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT, đã có một số đơn vị gia công phần mềm hình thành bước đầu. Hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng được các doanh nghiệp chú trọng triển khai. Công nghiệp nội dung số đang bắt đầu phát triển, đã xuất hiện một số DN nội dung số phát triển khá tốt trong thời gian vừa qua thu hút được một lượng lao động đáng kể làm việc tại Huế.
Công nghệ thông tin được đầu tư và áp dụng tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã
Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định mình là một địa phương đủ tầm và lực để trở thành một tỉnh phát triển mạnh về CNTT trong cả nước. Hiện tỉnh đang xây dựng các quy định về ứng dụng, phát triển CNTT tuân thủ các quy định của pháp luật về CNTT, phù hợp với thực tế tại địa phương, đảm bảo quản lý theo kịp sự phát triển; Xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT; Hoàn thiện hạ tầng CNTT tập trung của tỉnh, có khả năng dự phòng, đáp ứng các dịch vụ hạ tầng cơ bản, ứng dụng hiệu quả công nghệ điện toán đám mây; Hướng đến ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; Tăng cường nâng cao nhận thức và năng lực hợp tác quốc tế cho cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp CNTT; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.