Tại Hội nghị, bên cạnh việc triển khai Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 18/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và Công văn số 6071/UBND-NĐ ngày 23/8/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản, thì các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và các cơ quan quản quản lý Nhà nước có liên quan cũng đã thảo luận về một số giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, bắt đầu từ năm 2016, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế liên tục có những bước phát triển vượt bậc, các ngân hàng, các nhà đầu tư liên tục đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Thị trường bất động sản chính thức bước vào giai đoạn bùng nổ, đặc biệt là khu vực phía Đông Nam thành phố Huế thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và người dân khi trung tâm hành chính được chuyển về đây và hạ tầng kỹ thuật khu vực này dần được đầu tư hoàn chỉnh.
Theo thống kê từ Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh cho thấy, năm 2015 khu An Vân Dương chỉ có 32 dự án đã và đang triển khai, đã tăng lên 56 dự án năm 2018. Nhiều dự án có tốc độ triển khai nhanh như: khu đô thị Phú Mỹ An của Công ty CP ANIVEST; Tập đoàn Bitexco đầu tư tại khu nước nóng, du lịch Mỹ An tại khu D, khu An Vân Vương. Các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao như đường Tố Hữu về cảng hàng không Phú Bài, đường Mỹ An-Thuận An...Một số dự án của các nhà đầu tư thực hiện trước giai đoạn BĐS “đóng băng” như: khu đô thị Mỹ Thượng, khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1... cũng đang khởi động trở lại, khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 đã khởi công xây dựng tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai xây dựng các hạng mục nhà ở thương mại. Ngay trong phân khúc nhà ở cao cấp cũng có nhiều chuyển biến. Trong tổng số 370 căn thấp tầng tại dự án khu đô thị An Cựu City thì hơn 350 căn đã hoàn thành chuyển nhượng. Dự án The Manor Crown Huế chính thức mở bán trong quý II/2016 đến nay nhà phố thương mại và biệt thự đã được bán hết, nhiều nhà khác cũng đang được đăng ký mua.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phước Bửu Hùng nhận định, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế hiện nay đã bắt đầu “nóng” trở lại. Việc du lịch phát triển, cộng thêm những chính sách cởi mở của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích thích một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản. Một số nhà đầu tư đã cam kết tái khởi động dự án như: dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại số 4 Hà Nội; dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng của CTCP Đầu tư xây dựng du lịch và Phát triển Đất Vàng tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt...
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng cũng thừa nhận, thị trường có những chuyển biến tuy nhiên tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản còn yếu. Việc triển khai Nghị định của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa hiệu quả. Một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê và chống đầu cơ bất động sản vẫn thiếu.
Trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng, một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhất là tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Một số tổ chức huy động vốn mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện, chưa được Sở Xây dựng xác nhận; một số tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, việc huy động vốn chưa được công khai…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định phát biểu tại Hội nghị
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị nhận định thị trường bất động sản hiện đang phát triển thiếu bền vững; đang có những bất ổn; xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư đầu cơ bất động sản và các thủ đoạn tạo giá ảo, tạo sóng bất động sản khiến thị trường bất động sản có những rủi ro. Đồng thời, các đơn vị cũng kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá đất, công khai các thông tin quy hoạch, đất đai để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tránh trường hợp kinh doanh lừa đảo.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, thị trường bất động sản đối với nước ta nói chung và đối với Thừa Thiên Huế nói riêng đã có nhiều bước phát triển quan trọng, đã có nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, các công trình sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được đồng bộ góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được, thị trường bất động sản Huế hiện vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thị trường bất động sản, bên cạnh công tác quản lý nhà nước thì không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và các đầu tư và cả người dân trong giám sát, góp ý cùng chính quyền.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng; tăng cường quảng bá tiềm năng, nâng cao chất lượng nhà ở. Lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh rút ngắn thời gian liên quan đến thủ tục đầu tư, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững. Xây dựng cơ sở liên thông giữa các sở, ban, ngành, lấy cải cách hành chính, phục vụ người dân doanh nghiệp làm giải pháp căn cơ để thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, đất đai… nhằm cung cấp công khai với người dân, doanh nghiệp qua đó tạo thuận lợi trong tra cứu các thông tin đồng thời góp phần làm minh bạch hóa thị trường bất động sản.