Thừa Thiên Huế có diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp 348.789,28 ha, trong đó diện tích đất có rừng 311.051,09 ha, rừng tự nhiên 212.180,45 ha, rừng trồng 98.870,64 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay đạt 57,34 %. Rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế cơ bản vẫn được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng; sản xuất lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần đáng kể tăng trưởng kinh tế địa phương, là cơ hội làm giàu của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn, miền núi; trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đang phát triển theo chiều hướng tốt.
Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13 CT/TW đã nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp uỷ Đảng và chính quyền cơ sở, làm thay đổi cơ bản công tác quản lý rừng và đất rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi có Chỉ thị 13/CT-TW sự giám sát của các cấp uỷ và chính quyền trở nên thường xuyên, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng liên quan đã khiến cho công tác QLBVR được chú trọng và tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả, đặc biệt là cấp uỷ và chính quyền cơ sở của các địa phương miền núi.
Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, nhờ phương pháp phân tích ảnh viễn thám đã phát hiện và ngăn chặn 91 vụ phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 62,34 ha (trong đó phá rừng 52 vụ với diện tích 10,51 ha rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm 39 vụ với diện tích 51,83 ha đất lâm nghiệp), đã xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ phá rừng với số tiền 43,1 triệu đồng.
Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm đều được các địa phương chú trọng, các biện pháp tổng hợp được triển khai đồng bộ từ các chủ rừng đến chính quyền cơ sở. Mỗi địa phương, mỗi chủ rừng đều có phương án PCCCR, trên bình diện cả tỉnh cũng xây dựng phương án chữa cháy các vụ cháy lớn, diện rộng.
Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, hiện nay, hệ thống Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững tại các địa phương đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây cũng sẽ là mô hình kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị thu hút nhiều hộ gia đình và lực lượng lao động tại các địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, hạn chế tác động vào rừng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn kết luận tại buổi làm việc
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; nhất là địa phương đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng trồng tự nhiên, triển khai hiệu quả bước đầu việc quản lý rừng và phát triển bền vững.
Thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng như các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và triển khai các giải pháp phát triển rừng gắn với phòng chống chặt phá rừng. Đặc biệt đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông, rừng đầu nguồn.
* Trước đó, chiều ngày 01/10, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã đi kiểm tra thực địa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh dưới).