Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị đã có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đặc biệt, việc luật hóa "Ngày Pháp Luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11" đã tác động mạnh mẽ đến đến hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của từng nhóm đối tượng. Các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tăng cường áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả. Trong quá trình thực hiện đã có nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả như: Phổ biến pháp luật cho công nhân trên các chuyến xe công đoàn; hoạt động ngoại khóa kết hợp phổ biến pháp luật trong trường học; tuyên truyền pháp luật gắn với hoạt động tư vấn sức khỏe vị thành niên trong hoạt động đoàn thanh niên; chương trình thắp sáng ước mơ hoàn lương...
Có thể khẳng định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tác động tích cực đến đời sống xã hội; hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, trên địa bàn tỉnh không để hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm có tính chất nguy hiểm, phức tạp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là không xảy ra những vụ việc lớn nổi cộm, các vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, đất đai...
Việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện vững chắc để hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2014- 2018, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 6.624 vụ việc, chủ yếu là các tranh chấp nhỏ thuộc các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, tranh chấp đất đai...Tỷ lệ hòa giải thành công đạt hơn 80% vụ việc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh, Ngày Pháp luật là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thực sự phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chính là một trong những trụ cột để triển khai thành công các chủ trương lớn của tỉnh.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị cần xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược, bền vững, lâu dài để mỗi người, mỗi nhà, mỗi đơn vị thật sự có ý thức "Thượng tôn pháp luật", "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải đổi mới hình thức; nâng cao vai trò của các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật...
Tại hội nghị, 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh dưới).