Sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại hội nghị lần này, đã tập trung thảo luận và đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội năm 2019. Đồng thời, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình trọng điểm và đề ra các chính sách, giải pháp đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung hoàn thành và hoàn thành dứt điểm trong năm 2020.
Các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch trong năm 2019
Năm 2019, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục có những bước chuyển tích cực. Các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; thu ngân sách hơn 7.800 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng công suất đã hoàn thành và đi vào hoạt động; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tốt hơn; quốc phòng – an ninh luôn giữ vững. Tuy có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn còn 2 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu.
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 được diễn ra trong 2 ngày 4&5 tháng 12
Trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý, năm 2019 tỉnh có hơn 740 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra (7,5-8%). Sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa phong phú, tính hấp dẫn chưa cao; hạ tầng kết nối các điểm tham quan và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ; cơ cấu nội bộ ngành kinh tế dịch vụ chuyển biến chậm, các lĩnh vực có thế mạnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Nhiều dự án lớn đã được cấp đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai, đưa vào hoạt động còn chậm so với kế hoạch; môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thật sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu và năng lực. Các doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, nhưng quy mô nhỏ; năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế còn yếu, hiệu quả kinh doanh thấp. Công tác xã hội hoá trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và hoạt động văn hoá còn khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Quyết tâm thực hiện hiệu quả 4 chương trình trọng điểm
Trên cơ sở phân tích, làm rõ thêm những vấn đề nguyên nhân khách quan, chủ quan về những tồn tại, khó khăn, Tỉnh ủy xác định, năm 2020, phải quyết tâm thực hiện hiệu quả 4 chương trình trọng điểm. Đó là, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế; cải cách hành chính gắn liền với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; phát triển du lịch - dịch vụ. Để tạo bước đột phá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình đề ra, Tỉnh ủy đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý.
Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp. Dự kiến nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 đạt trên 3.464 tỷ đồng. Dự toán thu giao 7.607 tỷ đồng (tăng 5,5%) so với dự toán 2019; dự toán chi năm 2020 là 11.971,9 tỷ đồng (tăng 18%) so với dự toán 2019…
Khẩn trương xây dựng và hoàn thành kế hoạch
Phát biểu bế mạc hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, Đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với phân công trách nhiệm cụ thể, thời gian hoàn thành để tổ chức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khẩn trương rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ; các chương trình, dự án trọng điểm của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) để bố trí nguồn lực, đôn đốc triển khai. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu để tổ chức thực hiện quyết liệt các nội dung còn lại trong năm 2020. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, đánh giá chất lượng năm 2019 đối với tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời, có giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Về dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm trình Đại hội XVI, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tiểu ban Văn kiện và Bộ phận Thường trực tiếp tục phát huy cao độ trí tuệ tập thể, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tập trung xây dựng các văn kiện đúng tầm để lãnh đạo toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế cao hơn trong nhiệm kỳ tới.
“Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần kịp thời xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trước mắt, khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí, cơ chế chính sách đặc thù về thành phố Trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế; đồng thời, tập trung thực hiện đề án phát triển đô thị Huế đến năm 2030 gắn với việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính”, đồng chí Lê Trường Lưu nhấn mạnh.