Quảng Lợi là một trong những xã có tổng đàn trâu, bò lớn của huyện Quảng Điền, toàn xã hiện có khoảng 850 con, theo ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh, UBND xã đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện chỉ đạo cán bộ thú y xã, phối hợp với các thôn rà soát tổng đàn để tiến hành tiêm phòng cho trâu, bò. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, phân tích cho nhân dân hiểu và phối hợp trong việc tiêm phòng để công tác tiêm phòng diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao nhất. Qua quá trình triển khai đã tiêm 630 liều vắc xin phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trâu bò.
Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, hộ ông Trần Gia Hưng ở thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hiện nay, gia đình ông có 18 con bò, trong đó con 14 bò trong diện buộc phải tiêm phòng 4 con còn lại chưa đủ 6 tháng tuổi. Theo ông Hưng cho biết: Khi có thông tin bệnh viêm da nổi cục và kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, gia đình chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc. Ngoài ra, gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun hoá chất tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại, chấp hành nghiêm việc chăn thả cũng như bán vật nuôi để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: Muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày… Để chủ động phòng chống dịch bệnh, huyện Quảng Điền đã tiến hành rà soát tổng đàn trâu bò, dê đây là những đối tượng dễ mắc bệnh viêm da nổi cục. Qua quá trình rà soát thống kê, hiện nay huyện Quảng Điền có tổng đàn gia súc 3.050 con, trong đó trâu bò, đàn dê 105 con.
Xác định bệnh viêm da nổi cục là loại bệnh nguy hiểm, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có biểu hiện bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn trâu, bò, dê nhưng không vì thế mà chủ quan. Do vậy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND tỉnh như đẩy mạnh tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế việc chăn thả rong, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại. Theo ông Phan Đình Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: Nhìn chung, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trung tâm đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai tiêm vắc xin LMLM type O, A cho đàn trâu bò với hơn 2.950 liều, và đã tiêm 2.400 liều vắc xin viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Trung tâm đã tổ chức họp giao ban với các thú y viên để báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cho đội ngũ thú y viên phối hợp với UBND các xã tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ theo quy trình nuôi.
Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Trong quá trình tiêm, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và thú y xã, thị trấn sẽ hướng dẫn người dân cách xử lý các trường hợp trâu, bò bị phản ứng sau tiêm. Định kỳ tẩy giun sán, tiêm phòng đủ các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng... Chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất. Giám sát chặt chẽ đàn gia súc trong quá trình nuôi để kịp thời phát hiện các loại bệnh. Thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, tiêu diệt các loại vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve và các loại côn trùng hút máu khác trong khu vực chuồng nuôi. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh phải cách ly và báo ngay chính quyền, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.