Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2018 ban hành Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ tại Khoản 3, Khoản 4 của Điều 6 như sau:
“3. Không được đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội hoặc các hành vi khác trái với quy định pháp luật dưới mọi hình thức; không được sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong thời gian làm việc, giờ nghỉ trưa và ngày trực; không hút thuốc lá đúng nơi quy định.”
“4. Không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem phim, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không truy cập các trang mạng có nội dung không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều, vi phạm thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.”
2. Sửa đổi Điểm a, Khoản 1 của Điều 7 như sau:
“a) Phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.”
3. Sửa đổi khổ văn thứ nhất Điểm a Khoản 2 của Điều 7 như sau:
“- Phải có thái độ lịch sự, tôn trọng cấp trên, tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.”
4. Sửa đổi khổ văn thứ nhất Điểm b Khoản 2 của Điều 7 như sau:
“- Không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.”
5. Sửa đổi khổ văn thứ nhất Điểm c Khoản 2 của Điều 7 như sau:
“- Có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chân thành, thân thiện và đoàn kết, không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức; ứng xử có văn hóa, tôn trọng và bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.”
6. Sửa đổi Điểm a,b Khoản 3 Điều 7 như sau:
“a) Phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; thái độ lịch sự, không ngắt điện thoại đột ngột.”
“b) Phải thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc và luân chuyển tập tin văn bản qua mạng. Hộp thư điện tử phải được công khai để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin liên lạc trong công việc và tiếp nhận thông tin, trả lời công dân. Việc gửi, trả lời thư điện tử công vụ kịp thời và lịch sự. Không được sử dụng các hệ thống thư điện tử ngoài hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi công vụ.”
7. Sửa đổi Khoản 1 Điều 8 như sau:
“1. Công chức phải tuân thủ kỷ cương và trật tự hành chính, chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp; phối hợp với công chức khác trong cùng cơ quan, đơn vị và công chức các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Trường hợp có quyết định của cấp trên cấp quản lý trực tiếp thì công chức phải thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền cao nhất; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo cấp quản lý trực tiếp của mình về việc thực hiện quyết định đó.”
8. Sửa đổi nội dung Khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; đảm bảo nhận đúng, đủ thành phần hồ sơ theo quy định; nghiêm cấm công chức yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp, bổ sung giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ đã công khai.”
9. Bổ sung thêm Khoản 8 Điều 9 như sau:
“8. Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.”
10. Sửa đổi nội dung Điều 14 như sau:
“Việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức thông qua Phiếu đánh giá bằng giấy hoặc Hệ thống đánh giá mức độ hài lòng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Đây là cơ sở để xem xét đánh giá và xếp loại công chức hàng tháng, hàng quý và hàng năm.”
Chi tiết có trong file đính kèm